Giai đoạn sớm của ung thư tiền liệt tuyến thường không có những biểu hiện, đến giai đoạn tiến triển bệnh mới có biểu hiện thì đã ở giai đoạn muộn.
Ông Nguyễn Văn H. (50 tuổi, Hà Nội) đau lưng nhiều năm, nhưng không đi khám. Lần này đau hơn nên ông đi khám, chụp MRI cột sống thấy 3 đốt sống bị tổn thương, chỉ số ung thư tiền liệt tuyến (PSA) cao.
Kết quả chụp MRI tiểu khung thấy u tiền liệt tuyến không to nhiều nhưng xâm lần ra xung quanh, sinh thiết u qua trực tràng đúng là ung thư tiền liệt tuyến.
Lời bàn: BS Tuấn Anh, Bệnh viện K cho biết, giai đoạn sớm của ung thư tiền liệt tuyến thường không có những biểu hiện, đến khi bệnh tiến triển thường có biểu hiện: khó khăn trong việc đi tiểu gồm tiểu chậm, yếu và phải đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm; có lẫn máu trong nước tiểu hoặc trong tinh dịch; rối loạn cương dương; đau ở hông, lưng, ngực hoặc đau ở các vùng khác nhưng lan tỏa tới xương. Yếu, tê bì ở bàn chân, mất kiểm soát tiểu tiện hoặc đại tiện do khối u di căn xương chèn ép tủy sống.
Ung thư tiền liệt tuyến là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 sau ung thư phổi. Tại Mỹ, trong số nam giới được chẩn đoán ung thư mỗi năm, hơn 1/4 là bị ung thư tiền liệt tuyến.
Tại Việt Nam, ung thư tiền liệt tuyến đứng hàng thứ 9 trong các bệnh ung thư ở nam giới. Vì vậy, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường cần đi khám ngay. Nam giới trên 50 tuổi nên đi định lượng kháng nguyên đặc hiệu (PSA) - chất chỉ điểm khối u trong ung thư tiền liệt tuyến, bình thường trong máu dưới 4ng/ml.
Theo Khoa học và đời sống