Từ bao đời nay, kinh nghiệm trong dân gian có rất nhiều loại cây thuốc, vị thuốc Nam mà ông cha chúng ta đã sử dụng bằng phương pháp đun xông hoặc đánh cảm để chữa cảm cúm rất hiệu nghiệm.
Các loại cây thuốc, vị thuốc Nam thường dùng như: Lá bưởi, vỏ quả bưởi, lá chanh, cỏ mần trầu, lá sả, tía tô, kinh giới, hương nhu tía, hương nhu trắng, bạc hà, cây cứt lợn, lá gừng, củ gừng tươi, lá nghệ, lá tre, ngải cứu, cúc tần, lá duối, trầu không, trầm hương, đinh lăng… bao gồm các loại thuốc Nam có mùi thơm có tinh dầu có tác dụng tân ôn giải biểu, trừ phong tà, khai khiếu, khử trùng…
Theo kinh nghiệm dân gian truyền lại thì có hai cách sử dụng các loại thuốc Nam để trị cảm cúm đó là: Nồi nước xông và gói thuốc sao nóng đánh cảm.
Khi bệnh nhân có các triệu chứng: Đau đầu, đau họng, rát họng, ho, ngạt mũi, sổ mũi, không có mồ hôi, sốt, đau mình mẩy, có thể dùng một trong hai phương pháp sau:
Lá bưởi và vỏ bưởi đều có thể dùng để xông chữa cảm cúm.
1. Phương pháp xông chữa cảm cúm
1.1. Chuẩn bị:
– Chọn các loại thuốc Nam: Ta nên chọn từ 3 đến 4 vị, những vị mà ta dễ kiếm, dễ tìm, dễ mua như đã giới thiệu ở trên, mỗi loại 1 nắm to (khoảng 100g);
– Xoong to một cái;
– Chăn để chùm lên người: 01 cái;
– Khăn bông to: 01 cái;
– Một người thực hiện xông cho bệnh nhân;
Chú ý đề phòng bị bỏng nước nồi xông.
1.2. Bài thuốc
Xin giới thiệu 3 bài, tùy theo dược liệu có ở địa phương mà gia giảm.
Bài 1: Cúc tần 100g, hương nhu 100g, cỏ mần trầu 100g.
Bài 2: Ngải cứu 100g, lá tre 100g, trầu không 100g.
Bài 3: Lá hẹ 100g, lá bưởi 100g, kinh giới 100g.
Là chanh
1.3. Tiến hành
– Cho các loại lá đã chuẩn bị vào xoong đun sôi;
– Cho bệnh nhân ngồi trên giường, để nồi nước xông lên rồi chùm kín chăn lên toàn thân, nhắc người bệnh từ từ mở hé vung xoong ra cho hơi nóng tỏa ra ở mức độ nóng chịu được, xông khoảng 15 đến 20 phút. Khi đã thoát được mồ hôi, bệnh nhân dùng khăn bông lau khô người rồi thay quần áo.
– Khi tiến hành xông cần có một người ở bên để phục vụ và chăm sóc người bệnh.
– Sau khi xông xong cho bệnh nhân ăn cháo trứng gà nóng có lá tía tô, hành hoa, tiêu bột, ớt, củ xả…
– Có thể xông từ 1 đến 3 ngày, tùy vào tiến triển của bệnh.
Chú ý: Thật cẩn thận dễ bị bỏng nước sôi hoặc hơi nước quá nóng. Đối với người quá yếu, mất nhiều tân dịch dùng phương pháp xông dễ mất nước, nên cần cân nhắc.
2. Phương pháp đánh cảm
Hương nhu tía.
– Chọn các loại thuốc Nam:
Bài 1: Dùng lá cúc tần 300g, cám lợn 200g (có thể thay thế bằng bột mỳ, bột sắn hoặc bo bo có tác dụng làm phụ gia, giữ nhiệt và tinh dầu của các loại thảo dược). Cho hai vị vào chảo gang sao cùng, đến khi lá thuốc mềm nhũn, thật nóng, rồi gói vào khăn vuông hoặc miếng gạc to, đánh chà xát trên cơ thể bệnh nhân.
– Trình tự: Đánh từ mặt, đầu cổ xuống lưng bụng, tay chân.
– Đánh cảm xong, thay quần áo rồi ăn cháo trứng gà nóng có lá tía tô, hành hoa, tiêu bột, ớt, củ xả…
Bài 2: Dùng lá ngải cứu 300g, cám lợn 200g (quy trình như trên).
Bài 3: Dùng lá và hoa hương nhu tía 300g, cám lợn 200g (quy trình như trên).
Tóm lại: Phương pháp đánh cảm và xông có tác dụng rất tốt đối với các loại siêu virus nói chung. Cần áp dụng phối hợp với các phương pháp khác (nội ẩm, ngoại đồ) và mỗi gia đình chúng ta nên trồng một số cây thuốc Nam có tinh dầu như trên, vừa làm thực phẩm rau thơm hàng ngày vừa để chữa bệnh khi cần có ngay. Nếu không có đất rộng ta nên trồng ở chậu hoặc thùng xốp cây cũng phát triển tốt.
Theo ThS.BS. Nguyễn Đình ThụcTổng Thư ký Hội Đông y Việt Nam