Vị thuốc cổ truyền Việt Nam dùng chữa Covid-19 là cây gì?

Vị thuốc cổ truyền Việt Nam dùng chữa Covid-19 là cây gì?

Submitted by Namydsk on T2, 11/08/2021 - 13:45
vi-thuoc-co-truyen-viet-nam-dung-chua-covid-19-la-cay-gi

Bộ Y tế chính thức cho phép sử dụng một vị thuốc quen thuộc trong y học cổ truyền để điều trị Covid-19.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế cho phép sử dụng vị thuốc Xuyên tâm liên trong y học cổ truyền để điều trị Covid-19.

Trong giai đoạn khó khăn, phương thuốc này từng được coi là “thần dược” để chữa bách bệnh. Tuy nhiên khi các loại kháng sinh thế hệ mới ra đời, Xuyên tâm liên dần bị quên lãng.

Vừa qua một số nước đã đưa Xuyên tâm liên vào điều trị bệnh nhân Covid-19 cho thấy hiệu quả trên những người ít triệu chứng, thể nhẹ. Vì vậy Bộ Y tế giao Cục Quản lý y dược cổ truyền phối hợp với Cục Khoa học đào tạo làm đề cương thử nghiệm lâm sàng trên một số lượng bệnh nhân Covid-19 nhất định, sau đó sẽ báo cáo Hội đồng chuyên môn để tiếp tục đánh giá, nếu hiệu quả sẽ sử dụng ở phạm vi rộng.

Việt Nam cũng có thể xem xét cho dùng Xuyên tâm liên với các F1 cách ly tại nhà có dấu hiệu mệt mỏi.

Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết thêm, vị thuốc Xuyên tâm liên từng được Trung Quốc, sau đó là Indonesia, Malaysia, Thái Lan… đưa vào điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

Trong công văn 1306 ngày 17/3/2020 hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền trong phòng chống và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp do SARS-CoV-2, Bộ Y tế đưa Xuyên tâm liên vào bài thuốc Ngân kiều tán dùng trong giai đoạn khởi phát bệnh để giải độc, thăng dương ích khí với liều dùng uống 1 thang/ngày, chia thành 3 lần sau ăn.

vi-thuoc-co-truyen-viet-nam-dung-chua-covid-19-la-cay-gi

Xuyên tâm liên thường mọc thẳng đứng, thân nhiều đốt, chiều cao trung bình từ 0,3-0,8m

Xuyên tâm liên là cây nhiệt đới có tính hàn, vị đắng, có nguồn gốc từ Ấn Độ và Sri Lanka, được di thực và trồng phổ biến ở Nam Á, Đông Nam Á, miền nam Trung Quốc, khu vực Caribe, Trung Mỹ, Australia và châu Phi. Trong đó Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam là những nơi trồng nhiều nhất.

Tại Việt Nam, loại cây này còn được gọi là công cộng, hùng bút, nguyên cộng, lam khái liên, cây lá đắng, khô đảm thảo, nhất kiến kỷ…

TS Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, Xuyên tâm liên có tác dụng kháng vi sinh vật (vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng), chống viêm, chống oxy hóa, chống ung thư… được dùng để điều trị các bệnh về gan, sốt, cảm lạnh thông thường, tiêu chảy cấp tính, tăng huyết áp, thủy đậu, bệnh phong, sốt rét, viêm nhiễm, tiểu đường…

Việt Nam đã có nhiều bài thuốc dùng thảo dược Xuyên tâm liên như trị rôm sảy, mụn nhọt, chữa do ho lạnh, hỗ trợ điều trị viêm amidan, hỗ trợ chữa viêm phế quản…

Với Covid-19, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Trường cao đẳng dược JSS, Ấ Độ (2020) cho thấy, các thành phần của Xuyên tâm liên (andrographolide và dihydroxy dimethoxy flavone) có tác dụng chống lại Covid-19 bằng cách ức chế enzym protease chính của virus này trên thử nghiệm in silico (sàng lọc thuốc ảo).

Các nhà khoa học Đại học Jadavpur, Ấn Độ (2020) cũng nhận thấy, andrographolide và một số hợp chất khác của Xuyên tâm liên có tác dụng chống viêm an toàn và hiệu quả, có tác dụng đối với nhiễm trùng đường hô hấp trên cũng như có thể làm giảm đáng kể việc sản xuất cytokine, các yếu tố gây viêm khi nhiễm virus.

vi-thuoc-co-truyen-viet-nam-dung-chua-covid-19-la-cay-gi

Hoa của Xuyên tâm liên thường xuất hiện vào tháng 9-10

Tại Trung Quốc, Xuyên tâm liên được cấp phép sử dụng trong điều trị lâm sàng Covid-19 dưới dạng sản phẩm bán tổng hợp để chống viêm và kháng virus.

Dựa trên số lượng lớn các ca lâm sàng, bài báo của nhóm tác giả thuộc tập đoàn dược phẩm Tasly ở Thiên Tân, Trung Quốc (2020) khẳng định, Xuyên tâm liên có công năng thanh nhiệt, giải độc, kháng sinh và chống viêm, có tác dụng điều trị rõ ràng đối với các bệnh hô hấp bao gồm viêm phổi và viêm đường hô hấp trên do vi khuẩn, virus.

Trong đó thành phần andrographolide có tác dụng kháng virus tiềm năng trong việc điều trị Covid-19 và có thể làm giảm mức độ viêm ở bệnh nhân, cải thiện các triệu chứng hô hấp, ức chế virus và cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể… với tính an toàn cao.

Ngoài ra, andrographolide có tác dụng bảo vệ gan và có giá trị lâm sàng để điều trị các bệnh tim mạch.

Tác dụng chống Covid-19 của Xuyên tâm liên được khẳng định hơn khi Viện Nghiên cứu y học cổ truyền Thái Lan công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng trên các bệnh nhân mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ như đau họng, nhức đầu, ho hay sổ mũi.

Nhóm nghiên cứu cho bệnh nhân uống 180mg Xuyên tâm liên/ngày, chia đều làm 3 lần vào các khung giờ 6h, 14h và 22h, uống liên tục trong 5 ngày.

Kết quả rất khả quan, trong vòng 3 ngày kể từ khi sử dụng Xuyên tâm liên, sức khoẻ của các tình nguyện viên mắc Covid-19 đều được cải thiện. Mọi triệu chứng của bệnh đã biến mất sau 5 ngày mà không xuất hiện bất kỳ tác dụng phụ nào.

vi-thuoc-co-truyen-viet-nam-dung-chua-covid-19-la-cay-gi

Từng là vị thuốc vô cùng phổ biến tại Việt Nam, sau đó Xuyên tâm liên dần bị quên lãng, số lượng còn ít

Vào tháng 5 vừa qua, nhóm các bác sĩ tại nhiều bệnh viện ở Giang Tây, Trung Quốc cũng công bố kết quả nghiên cứu đa trung tâm, ngẫu nhiên và có đối chứng trên 130 bệnh nhân Covid-19 sử dụng Xuyên tâm liên.

Kết quả cho thấy, các bệnh nhân sử dụng Xuyên tâm liên giảm đáng kể thời gian bị ho, sốt và thải virus nhanh hơn, rất ít bệnh nhân tiến triển nặng.

Nhóm nghiên cứu không phát hiện tác dụng phụ nghiêm trọng nào được báo cáo và đi đến kết luận, Xuyên tâm liên an toàn và hiệu quả trong việc cải thiện sự hồi phục của bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình.

Các bác sĩ Thái Lan khuyến cáo, không dùng Xuyên tâm liên cho phụ nữ có thai, đang cho con bú, những người có vấn đề thận, gan, những người bị cao huyết áp.

Vị thuốc này có tính hàn, sử dụng quá liều có thể gây tê tay chân, hạ huyết áp… nên cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Liều dùng thông thường từ 5-7 ngày.

TS Giang cho biết, Xuyên tâm liên là cây trồng không khó nhưng hiện sản lượng còn rất ít ở Việt Nam do nhiều năm bị quên lãng, ít được ghi đơn. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích trồng, bảo tồn, nghiên cứu và phát triển trở lại vị thuốc này cũng như nhiều loại dược liệu khác.

Theo Thúy Hạnh

Vietnamnet.vn