Nguyên nhân khiến 30% người Việt bị bệnh lý về lưng

Nguyên nhân khiến 30% người Việt bị bệnh lý về lưng

Submitted by Namydsk on T3, 03/23/2021 - 17:01
nguyen-nhan-khien-30-nguoi-viet-bi-benh-ly-ve-lung

Khoảng 30% người Việt bị đau lưng, do tổn thương đĩa đệm sau tai nạn, lao động hoặc thoái hóa tự nhiên, theo bác sĩ Tăng Hà Nam Anh.

Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh (Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết thoát vị đĩa đệm ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Hiện nay, bệnh xuất hiện phổ biến ở độ tuổi 30-60 tuổi, chiếm một phần ba dân số.

Nguyên nhân khiến người trẻ dễ mắc thoát vị đĩa đệm là tai nạn giao thông, tai nạn lao động, lối sống thiếu khoa học, sai tư thế. Những người thường xuyên mang vác vật nặng trên cổ, lưng; tư thế khuân vác sai cách sẽ làm chệch đĩa đệm. Nhiều người có thói quen đứng rồi cúi xuống để nhấc vật nặng thay vì ngồi xuống bê rồi từ từ đứng lên, nên dễ gây chấn thương cột sống lưng và ảnh hưởng đến đĩa đệm.

Ngoài ra, nhân viên văn phòng thường có thói quen ngồi quá lâu hoặc ngồi sai tư thế. Điều này khiến cột sống mất đi đường cong vốn có, các đốt sống bị thẳng hàng và dẫn đến thoát vị đĩa đệm. Tương tự, những người có công việc đặc thù đứng hoặc ngồi nhiều như thợ may, lễ tân, tài xế, sinh viên cũng có nguy cơ cao mắc thoát vị đĩa đệm.

Một số thói quen thường gặp nhưng lại là nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm như: gối đầu quá cao khi ngủ, ngồi gù lưng, ngồi trượt xuống ghế trong thời gian dài, ngồi xổm, ngồi chéo chân, đeo túi nặng lệch vai... Lối sống dung nạp quá nhiều chất đường bột, ăn tối muộn, thức khuya và ít tập thể dục khiến cơ thể trở nên thừa cân, gia tăng áp lực lên cột sống, đĩa đệm cũng bị tổn thương.

Thoát vị đĩa đệm thường có triệu chứng điển hình là tê bì tay chân, cơn đau tùy vào vị trí bệnh. Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây đau cổ và vai gáy, chạy dọc xuống một hoặc cả hai cánh tay, ngón tay và bàn tay. Còn ở thoát vị đĩa đệm cột sống lưng, người bệnh sẽ đau dữ dội ở vùng thắt lưng, cơn đau lan dần xuống hông và đùi, lan xuống cẳng chân, bàn chân và các ngón chân. Ngoài các cơn đau nhức ban đầu, lâu ngày, bệnh gây khó cử động cổ, tay, chân, thậm chí có thể dẫn đến tàn phế.

nguyen-nhan-khien-30-nguoi-viet-bi-benh-ly-ve-lung

Tiến sĩ Nam Anh cho biết, thoát vị đĩa đệm hay các bệnh lý cột sống khác dễ gây nên biến chứng sau thời gian dài vì không được chẩn đoán, điều trị chính xác. Nguyên nhân xuất phát từ sự phức tạp của cơ chế bệnh sinh, hạn chế về thiết bị máy móc hỗ trợ cũng như chưa có nhiều điều kiện để áp dụng các phương pháp chẩn đoán, điều trị hiện đại, hiệu quả.

Đơn cử như trường hợp của bà Bùi Thị Tám (65 tuổi, Quảng Ngãi). Tuổi trẻ vất vả, lao động chân tay, mang vác nặng nhọc, đến tuổi 50, bà bị thoát vị đĩa đệm kéo theo những cơn đau lưng và tay chân nhức mỏi, tê cứng. Bà Tám thường xuyên phải đứng một chân, cứ chân này tê thì co lên, đến khi chân kia tê thì đổi lại. Hơn 15 năm thăm khám nhưng bệnh không thuyên giảm, bà liên tục phải dùng thuốc giảm đau.

Khi nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bệnh đã có những biến chứng xấu, dây chằng phì đại và mấu khớp gây hẹp nặng ống thần kinh thắt lưng. Nếu không xử lý ngay dẫn đến những nguy cơ xấu ảnh hưởng đến chức năng vận động. Bà được chỉ định phẫu thuật khẩn cấp.

Trường hợp của bệnh nhân Bùi Thị Tám, Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh nhận định, phẫu thuật là phương án điều trị cuối cùng, khi tất cả phương án điều trị dự phòng, điều trị nội khoa, vật lý trị liệu... đã không có kết quả. Việc phẫu thuật giúp bệnh nhân thoát khỏi đau đớn do đã xử lý các phần đốt sống bị thoát vị đĩa đệm, mấu khớp gây hẹp ống sống đè lên dây thần kinh thắt lưng L4S1.

Ca phẫu thuật có sự hỗ trợ từ các thiết bị như máy chụp X-quang hiện đại, máy CT đa lát cắt, cộng hưởng từ, thiết bị robot rất nhỏ dẫn đường để tránh những tổn thương các dây thần kinh tinh vi trong cột sống. Robot và các phần mềm trí tuệ nhân tạo giúp tính toán chính xác đường mổ, tác động lên cột sống, từ đó giúp các bác sĩ và phẫu thuật viên thao tác hiệu quả cao, tránh biến chứng nguy hiểm. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được tập luyện vật lý trị liệu để phục hồi chức năng và theo dõi tránh những biến chứng.

nguyen-nhan-khien-30-nguoi-viet-bi-benh-ly-ve-lung

Trong các bệnh lý cột sống, thoái hóa cột sống thắt lưng là bệnh lý xương khớp mạn tính tiến triển chậm, tăng từ từ về cấp độ, gây đau âm ỉ không dứt, yếu cơ hai chân, mất thăng bằng và khiến người bệnh bị hạn chế khả năng vận động do cột sống thắt lưng bị biến dạng trong khi không có biểu hiện viêm.

Gai cột sống thường hình thành ở những bộ phận chịu nhiều áp lực của cơ thể như đốt sống cổ và đốt sống thắt lưng. Khi bị gai cột sống thắt lưng, người bệnh thấy đau ở giữa thắt lưng hoặc lan xuống vùng hông. Cơn đau dữ dội hơn khi vận động, không thể tiếp tục duy trì công việc. Nếu gai cột sống xảy ra ở vùng cổ, người bệnh có thể bị đau nửa đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ.

Ở trẻ em, khi xuất hiện tình trạng đau lưng, có thể trẻ mắc các bệnh như trượt đốt sống và hủy eo đốt sống; bệnh scheuermann; nốt schmorl; u cột sống; viêm đĩa đệm; viêm khớp dạng thấp ở cột sống; các rối loạn cơ năng; các hội chứng quá tải; vôi hóa đĩa đệm cột sống cổ... Vì vậy, trẻ có triệu chứng đau cột sống hoặc biến dạng cột sống, phụ huynh cần đưa bé khám tổng quát để có biện pháp điều trị thích hợp, giảm tai biến, tránh ảnh hưởng đến chức năng, sự phát triển của cơ thể.

Tiến sĩ, bác sĩ Nam Anh nhấn mạnh, bệnh lý cột sống có thể gây di chứng nặng nề, thậm chí suốt đời, ảnh hưởng cuộc sống và tạo gánh nặng kinh tế đối với gia đình cũng như bản thân người bệnh. Vì vậy, mỗi người cần xây dựng lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động, dinh dưỡng hợp lý, khám sức khỏe định kỳ. Hãy lắng nghe cơ thể để kịp thời phát hiện những bất thường, dù là nhỏ nhất.

Nhằm giúp độc giả hiểu hơn về kiến thức bệnh lý, nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị những bệnh lý cột sống, VnExpress phối hợp với Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Phòng khám Dinh dưỡng - Y học Vận động Nutrihome tổ chức "Tuần tư vấn bệnh lý cột sống", vào ngày 19/3-25/3/2021.

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM như Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh (Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình); Thạc sĩ, bác sĩ Trần Anh Vũ (Trưởng đơn vị Y học thể thao - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình); Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Khoa Học (Trung tâm Chấn thương chỉnh hình); bác sĩ CKI Trần Xuân Anh (Đơn vị Thần kinh cột sống - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình); bác sĩ CKI Trần Quốc Tuấn (Khoa Phục hồi chức năng - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình).

Cùng với đó là sự tư vấn của các chuyên gia từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội như Thầy thuốc ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Hồng Hoa (Trưởng khoa Nội - Cơ xương khớp); bác sĩ CKII Nguyễn Văn Vĩ (Trưởng Đơn vị Phục hồi chức năng - Khoa Chấn thương chỉnh hình). Bác sĩ của Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng - Y học Vận động Nutrihome gồm Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thuỵ Song Hà (Giám đốc chuyên môn Y học Vận động), Thạc sĩ Khoa học thể thao Phạm Thanh Nghị (Trưởng bộ phận Hướng dẫn vận động và phát triển thể chất).

Theo Minh Tú