Xuyên tâm liên có vị đắng, với thành phần chính là Andrographolid được cho là có khả năng ức chế nCoV, giảm các triệu chứng Covid-19.
Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3, cho biết xuyên tâm liên là vị thuốc truyền thống được ứng dụng rộng rãi trong nền y học của một số nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam... Thuốc có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus, hạ sốt, kháng viêm, chống dị ứng, mụn nhọt, bảo vệ gan, kháng ung thư.
"Trước đây, xuyên tâm liên được sử dụng rất thông dụng ở Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ đất nước còn khan hiếm tân dược và kháng sinh", tiến sĩ Triết chia sẻ.
Xuyên tâm liên cũng là dược liệu được nghiên cứu khá kỹ càng về thành phần hóa học và các tác dụng dược lý. Xuyên tâm liên có tên khoa học là Andrographis paniculata (Burm.f.) Nees, thuộc họ Ô rô (Acanthaceae). Đây là một loại cây thân thảo nhỏ, mọc thẳng đứng cao dưới một mét. Lá mọc đối, có cuống ngắn, phiến lá hình mũi mác, mặt lá nhẵn. Hoa màu trắng điểm hồng, mọc thành chùm ở nách lá hay ngọn cành. Quả hình trụ dài, khi chín sẽ khô và tách ra để phóng thích nhiều hạt nhỏ. Hạt hình trụ, thuôn dài có cán phôi cứng nhằm giúp cho việc phát tán đi xa.
Theo y học cổ truyền, xuyên tâm liên được xem là "vua của các vị đắng", tính hàn, xếp vào nhóm các dược liệu có tác dụng thanh nhiệt giải độc. So sánh về mặt tây y, xuyên tâm liên có nhiều tương đồng với nhóm thuốc kháng sinh, chuyên được sử dụng để điều trị các trường hợp ung nhọt, đinh độc, rắn độc cắn, trị tiêu chảy, ho, viêm họng, viêm gan siêu vi và viêm đường tiết niệu....
Các nghiên cứu đã công bố cho thấy thành phần hóa học chính có trong xuyên tâm liên chủ yếu là các hợp chất nhóm diterpen lacton, trong đó có thể kể đến một số chất tiêu biểu như: andrographolid, neoandrographolid, sndrographisid và bisandrographolid A, B, C và D. Ngoài ra, trong xuyên tâm liên còn chứa các dẫn xuất flavonoid nhóm flavon như andrographin, panicolin...
Theo tiến sĩ Triết, một loạt nghiên cứu về tác dụng dược lý của xuyên tâm liên được tiến hành cho thấy đây là một dược liệu rất tiềm năng trong tác dụng kháng khuẩn, kháng virus, đặc biệt là một số chủng virus như Influenza A, EBV, HIV, Ebola. Gần đây xuất hiện các nghiên cứu về tác động của xuyên tâm liên trên nCoV.
Tháng 4/2020, một nhóm nghiên cứu tại Viện Sinh học thuộc Vụ Khoa học Y tế, Bộ Y tế Thái Lan, phát hiện loại dược thảo này có thể tiêu diệt và ức chế nCoV trong các thí nghiệm.
Hiện, chính phủ Thái Lan cho phép sử dụng xuyên tâm liên trong thử nghiệm lâm sàng điều trị Covid-19, giúp cải thiện một số triệu chứng, đặc biệt là ho. Ngoài ra, vị thuốc này còn giúp giảm đáng kể việc tăng sinh số lượng virus ở phổi sau 5 ngày sử dụng với liều 60 mg hoặc 100 mg, ngày uống 3 lần.
Theo Bangkok Post hôm 19/4, sau 5 ngày điều trị, hơn 300 bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ đã được chữa khỏi nhờ xuyên tâm liên.
Bác sĩ Kwanchai Wisitthanon, Phó cục trưởng Cục Y học cổ truyền và liệu pháp thay thế Thái Lan, chia sẻ: "Chúng tôi tin tưởng xuyên tâm liên có thể chữa khỏi cho ca mắc Covid-19 nhẹ và không có triệu chứng. Thảo dược này an toàn để điều trị cho bệnh nhân Covid-19"
Tại Việt Nam, theo công văn số 1306/BYT-YDCT ngày 17/3/2020 của Bộ trưởng, Bộ Y tế ban hành về việc sử dụng thuốc y học cổ truyền trong phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do nCoV, một số bài thuốc có sử dụng xuyên tâm liên như bài Ngân kiều tán và Ngân kiều tán gia giảm.
Các bài thuốc này được sử dụng trong giai đoạn khởi phát của bệnh nhằm giải quyết một số triệu chứng như phát sốt, sợ gió lạnh, hắt hơi, ngạt mũi, khát không nhiều, ho ít đàm, hoặc đàm khó khạc...
Tiến sĩ Triết nhận định các kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng đã đề cập ở trên cho thấy việc sử dụng xuyên tâm liên trong phòng và trị Covid-19 là có căn cứ khoa học. Tuy nhiên các chứng cứ còn chưa nhiều, đặc biệt là chứng cứ về lâm sàng, số lượng bệnh nhân trong thử nghiệm lâm sàng ở Thái Lan còn ít và chưa rõ ràng.
"Do đó, chúng ta có thể sử dụng xuyên tâm liên cho điều trị ở giai đoạn khởi phát của bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế là có cơ sở nhưng tất cả phải tuyệt đối tuân thủ theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc và bác sĩ chuyên ngành. Người dân không được tự ý sử dụng để tự điều trị nếu không có sự cho phép của chuyên gia y tế", tiến sĩ Triết nhấn mạnh.
Theo Lê Cầm