Đi bộ là cách tốt nhất để kéo dài tuổi thọ nhưng đi vào “khung giờ độc” sẽ rất dễ bị đột quỵ: Người Việt thường xuyên mắc sai lầm này
Đi bộ là một trong những cách đơn giản và rẻ tiền nhất để kéo dài tuổi thọ. Thật vậy, nghiên cứu thực hiện bởi Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ cho hay, một người chăm chỉ đi bộ khoảng 4400 bước/ngày sẽ có nguy cơ tử vong sớm thấp hơn 40% so với người chỉ đi 2700 bước/ngày.
Nếu chăm chỉ đi bộ, bạn vừa có thể hỗ trợ giảm cân, lại vừa thúc đẩy hiệu quả nhu động của đường tiêu hóa, giảm gánh nặng trao đổi chất. Không những vậy, đi bộ còn là một loại thuốc an thần tự nhiên, có tác dụng cải thiện khả năng hưng phấn của hệ thần kinh.
Một nghiên cứu của Pháp cũng cho biết, phụ nữ dù già hay trẻ nếu chăm chỉ đi bộ nhanh 1 tiếng mỗi ngày có thể giảm 12% nguy cơ mắc ung thư vú.
Một nghiên cứu trên 70.000 người từ Trường Y tế Công cộng Harvard cho thấy đi bộ 1 giờ mỗi ngày có thể giảm 50% nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Tất cả dữ liệu trên đã cho chúng ta thấy rằng việc đi bộ thực sự đem lại nhiều lợi ích trong việc giảm bệnh tật, đương nhiên sẽ giúp kéo dài thời gian sống. Tuy nhiên, trong ngày có một khoảng thời gian không nên đi bộ vì có thể gây đột quỵ, đặc biệt người sau 45 tuổi nên tránh.
Thời điểm đi bộ dễ gây đột quỵ nhất, người sau 45 tuổi nên tránh
Đi bộ buổi sáng là một thói quen rèn luyện sức khỏe rất tốt của người Việt, nhưng đã có không ít người phải nhập viện cấp cứu vì đột quỵ khi đang tập thể dục vào sáng sớm (4-6h). Ở Bệnh viện Bạch Mai trước đây cũng đã từng tiếp nhận nam bệnh nhân 50 tuổi bị đột quỵ do đi tập thể dục quanh Hồ Tây từ 4 giờ sáng.
Theo BS. Nguyễn Văn Phương (Khoa Cấp cứu – Bệnh viện TWQĐ 108), có 2 lý do có thể giải thích vì sao đột quỵ lại thường xảy ra vào sáng sớm:
– Thứ nhất, là do thay đổi hormone và huyết áp của người bệnh:
Khi thức dậy vào buổi sáng, cơ thể sẽ chuyển từ tư thế nằm sang tư thế vận động, từ đó làm thay đổi nồng độ các hormone. Các hormone này gây tăng nhịp tim, tăng huyết áp và tăng trương lực của động mạch. Từ đó, tăng nguy cơ đột quỵ.
– Thứ hai, là do thiếu NO vào lúc ngủ dậy:
Vào ban đêm, quá trình tiêu thụ Nitric oxit (NO) của cơ thể là lớn nhất vì vậy khi sáng sớm thức dậy cơ thể con người thường thiếu NO, dẫn đến việc oxy không thể đưa đến các cơ quan một cách kịp thời, dễ gây ra tình trạng đột quỵ vào buổi sáng với người có bệnh nền mãn tính.
Bên cạnh đó, khoảng thời gian này lại là lúc nhiệt độ xuống thấp nhất trong ngày, việc ra ngoài khi quá sớm, mặt trời chưa lên, đặc biệt là trong những hôm trời rét đậm, rét hại thì dễ gây co mạch, nguy hiểm hơn có thể gây nhồi máu cơ tim.
Nếu muốn đi bộ buổi sáng, chúng ta nên làm gì để tránh đột quỵ
Tốt nhất, bạn hãy chờ lúc bình minh ló dạng rồi hẵng ra ngoài đi bộ. Mặt trời lên sẽ làm cho không khí ấm lên và có chất lượng tốt hơn, sức khỏe cũng nhờ vậy mà được đảm bảo. Tùy vào tình trạng thời tiết mà bạn có thể lựa chọn việc ra ngoài đi bộ vào thời gian nào, hoặc là lựa chọn có nên đi bộ trong nhà hay không. Hoặc bạn cũng có thể chuyển thời gian đi bộ trong ngày sang 4-6 giờ chiều, hoặc 20-21 giờ buổi tối.
Trước khi đi bộ vào buổi sáng, nên dành 15, 20 hoặc thậm chí 30 phút sau khi thức dậy để khởi động, việc này sẽ giúp các khớp kịp hồi tỉnh và thích nghi trước khi bước vào tập luyện.
Để tránh nguy cơ đột quỵ, bạn cần tránh các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, rượu bia. Nên tăng cường các loại thực phẩm sạch giàu vitamin C và các chất chống oxy hóa.
Hơn nữa, bản thân những người bị tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, đái tháo đường, bệnh van tim, suy tim… nên điều trị, theo dõi chặt chẽ để tránh đột quỵ.
Theo Nhịp Sống Việt