Nước muối sinh lý, siro ho, dung dịch bù nước... luôn cần có trong tủ thuốc gia đình nhằm xử trí nhanh chóng các bệnh thông thường khi giao mùa.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tủ thuốc nhỏ dự phòng trong gia đình gồm các thuốc và vật dụng y tế thiết yếu, có thể xử trí sốt, ho, chảy mũi, tiêu chảy hay sơ cứu cho trẻ khi cần thiết.
Nhiệt kế, thuốc hạ sốt
Sốt - triệu chứng thường gặp ở trẻ là phản ứng bình thường của cơ thể trước nhiễm khuẩn. Nhiệt kế sẽ giúp đo thân nhiệt, xác định chính xác tình trạng sốt và dùng thuốc hạ sốt đúng chỉ định. Gia đình chỉ dùng thuốc hạ sốt cho bé khi nhiệt độ đo tại nách từ 38,5 độ và tại hậu môn từ 39,0 độ.
Với các thuốc hạ sốt, phụ huynh chú ý sử dụng đúng chế phẩm chứa paracetamol với liều lượng phù hợp từng độ tuổi, cân nặng của trẻ. Liều khuyến cáo là 10-15 mg cho một cân thể trọng trong một lần, các lần cách nhau từ 4-6 giờ, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng hoặc theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Các thuốc hạ sốt dạng đặt hậu môn nên được dự trữ để dùng khi trẻ khó uống, nôn nhiều.
Nước muối sinh lý
Đây là sản phẩm cần thiết, giúp vệ sinh mũi họng cho trẻ mỗi khi bị nghẹt mũi, sổ mũi... Phụ huynh cũng có thể sử dụng nước muối sinh lý loại dành riêng cho mắt để nhỏ mắt, rửa trôi bụi bẩn, các dị vật thông thường ở mắt.
Siro ho cảm thảo dược
Vào thời điểm giao mùa hoặc khi dịch bệnh đang lây lan, gia đình nên trang bị sẵn một số lọ siro ho cảm thảo dược. Sản phẩm này có thể sử dụng khi bé bị chảy mũi, húng hắng ho để giảm nhanh triệu chứng và giúp trẻ dễ chịu, tránh chuyển biến nặng.
Bác sĩ Thúy khuyến cáo, phụ huynh cần chú ý chọn siro ho cảm thảo dược phù hợp với độ tuổi của trẻ. Mọi người bên chọn các loại đã được kiểm nghiệm, đảm bảo an toàn cho cả trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
Dung dịch bù nước, bù điện giải oresol
Oresol có tác dụng bù nước và điện giải khi trẻ bị tiêu chảy, nôn hoặc sốt nhiều. Trẻ uống oresol giúp bổ sung được đầy đủ nước và điện giải, giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước. Trong trường hợp đã bù oresol đường uống đúng cách nhưng trẻ vẫn nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước (mệt mỏi, khát, tiểu ít...), cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để được điều trị phù hợp, kịp thời.
Các vật phẩm y tế khác
Gia đình nên chuẩn bị sẵn nước súc họng và dung dịch rửa tay khô cho trẻ để vệ sinh mũi họng do nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn luôn thường trực, đặc biệt là khi giao mùa. Bên cạnh đó, trong tủ thuốc cần có bông băng, thuốc sát trùng, cồn 70 độ, dung dịch betadine 10% để dùng sơ cứu, cầm máu tại chỗ trước khi đưa tới cơ sở y tế khi bé lỡ bị xây xước, chảy máu lúc chạy nhảy, ngã...
Ngoài chuẩn bị tủ thuốc gia đình, bác sĩ Thúy khuyến cáo phụ huynh cần trang bị kiến thức để có thể chăm sóc và xử trí đúng cách các vấn đề sức khỏe của trẻ. Khi thấy việc xử trí tại nhà không hiệu quả thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn cụ thể.
Theo Chi Lê